T4, 08 / 2021 4:44 chiều | minhanhqn

Bạn đang có dư định thành lập doanh nghiệp để bắt đầu kinh doanh và đang băn khoăn chưa biết nên thành lập công ty hay doanh nghiệp tư nhân?  Bạn cần nắm bắt những đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân để có thể lựa chọn có thành lập loại hình doanh nghiệp này không. Hãy tham khảo bài viết của chúng tôi để đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình.

Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân
  1. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân có các đặc điểm như sau:

  • Doanh nghiệp không được phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay bất kỳ một loại chứng khoán nào.
  • Mỗi cá nhân chỉ được quyền lập một doanh nghiệp duy nhất. Chủ doanh nghiệp không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh hay thành viên công ty hợp danh.
  • Doanh nghiệp không được quyền góp vốn để mở hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong các công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
  • Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các rủi ro và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.
  • Chủ doanh nghiệp sẽ là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
  • Chủ doanh nghiệp là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
  1. Quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân

Pháp luật không có quy định cụ thể về thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn. Điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính của chủ doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp tư nhân và theo quy định cụ thể nếu như kinh doanh những ngành nghề có điều kiện.

Điều 189 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân như sau:

1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.”

Theo đó, khi thành lập, chủ doanh nghiệp phải đăng ký chính xác số vốn đầu tư của mình và phải nêu rõ số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác. Trong trường hợp vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân còn bao gồm các tài sản khác thì chủ doanh nghiệp phải ghi rõ loại tài sản, số lượng tài sản; giá trị còn lại của tài sản mỗi loại. Pháp luật quy định như vậy để có thể quản lý chặt chẽ hơn phần vốn mà chủ doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân.

Có thể thấy, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp vào doanh nghiệp tư nhân không tách bạch với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, tức là chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với tài sản mà mình muốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân sang cho doanh nghiệp tư nhân. Đây chính là cơ sở để pháp luật quy định chế độ chịu trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Toàn bộ vốn và tài sản bao gồm cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, có thể xảy ra trường hợp số vốn đã đầu tư của chủ doanh nghiệp không đủ đáp ứng điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp hoặc số vốn đã đầu tư trở nên thừa so với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp cần phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Nếu số vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp giảm thấp hơn so với số vốn đầu tư đã góp vào doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Như vậy, trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp tăng, giảm vốn đầu tư đã đăng ký, chủ doanh nghiệp phải gửi Thông báo về việc thay đổi vốn đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.

  1. Những ưu điểm và hạn chế về vốn đầu tư doanh nghiệp tư nhân

Với chế độ vốn như đã phân tích trên, ta thấy những ưu điểm của loại hình doanh nghiệp này:

– Chế độ trách nhiệm vô hạn, doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tạo được sự tin tưởng từ đối tác. Từ đó dễ dàng huy động vốn và hợp tác kinh doanh.

– Với doanh nghiệp tư nhân, vì số vốn đầu tư thuộc về chủ doanh nghiệp; tài sản của một doanh nghiệp tư nhân và của chủ doanh nghiệp tư nhân không có sự tách biệt.

Do đó, chủ doanh nghiệp có thể rút vốn đầu tư, có thể lấy và di chuyển tài sản từ doanh nghiệp ra ngoài mà không chịu sự ràng buộc nào cả. Từ đó tạo sự linh hoạt trong quyền sở hữu vốn khác với công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần, nếu muốn mang tài sản ra ngoài công ty thì bạn phải có giấy tờ; thủ tục.

Bên cạnh đó doanh nghiệp tư nhân vẫn còn tồn tại những hạn chế về vốn đầu tư đó là:

– Chủ doanh nghiệp có rủi ro cao do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình trước mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

–Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Do trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; vì vậy, đây là mô hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân riêng biệt để tham gia vào các doanh nghiệp có sự tách bạch về tài sản cá nhân và tài sản công ty như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh.

Doanh nghiệp tư nhân do không có tư cách pháp nhân và tồn tại nhiều rủi ro cho chủ doanh nghiệp nên không phải là loại hình doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn hiện nay. Chỉ những doanh nghiệp  hoạt động trong một số lĩnh vực kinh doanh có yêu cầu mới thành lập loại hình doanh nghiệp này. Để có thể lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp, quý khách đừng ngần ngại mà hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hoàn toàn miễn phí.

Bài viết cùng chuyên mục