Phần lớn hoạt động kinh doanh ở nước ta diễn ra khá nhỏ lẻ dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh gia đình, công ty vừa và nhỏ… Đối với một hộ gia đình cùng nhau buôn bán, đăng ký kinh doanh hộ gia đình là sự lựa chọn đúng đắn để vừa phù hợp với quy mô buôn bán vừa có đầy đủ thủ tục giấy phép theo quy định pháp luật. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý khi đăng ký kinh doanh hộ gia đình:
- Một số lưu ý khi đăng ký kinh doanh hộ gia đình
1.1. Vốn điều lệ đăng ký kinh doanh hộ gia đình
Puật không quy định số vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, đăng ký số vốn bao nhiêu là tùy thuộc vào khả năng của cá nhân và tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề mà người đăng ký muốn hướng đến.
1.2. Hộ kinh doanh gia đình có được đăng ký nhiều địa điểm kinh doanh?
Một hộ kinh doanh gia đình chỉ được đặt tại một địa điểm duy nhất trên phạm vi toàn quốc và không được thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện như công ty. Tuy nhiên, nếu hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
1.3. Cách đặt tên hộ kinh doanh
- Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:
Loại hình “Hộ kinh doanh”
Tên riêng của hộ kinh doanh.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.
1.4. Đăng ký kinh doanh hộ gia đình có phải đóng thuế môn bài không?
Tùy vào doanh thu thì hộ kinh doanh gia đình, cá thể sẽ nộp thuế môn bài theo từng mức khác nhau. Căn cứ vào khoản 2,3,4,5 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về nộp thuế môn bài với cá nhân kinh doanh như sau:
- Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nếu mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm (từ 01/07 hằng năm) thì nộp 50% mức lệ phí cả năm.
- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được quy định không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình quy định tại nếu có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Một số trường hợp cá nhân, hộ gia đình kinh doanh được miễn lệ phí môn bài, bao gồm:
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. Mức doanh thu hằng năm được xác định là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định. Nhóm đối tượng này bao gồm cả: cá nhân là xã viên hợp tác xã và hợp tác xã đã nộp lệ phí môn bài theo quy định đối với hợp tác xã; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán đúng giá thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và nuôi trồng nghề cá
- Thủ tục đăng ký kinh doanh
Cách đăng ký kinh doanh hộ gia đình sẽ được thực hiện theo trình tự thủ tục dưới đây:
Bước 1: Người đại diện hộ gia đình tiến hành gửi hồ sơ đề nghị thành lập hộ kinh doanh cá thể đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ gia đình
- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ kinh doanh và Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh nếu hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
- Đối với ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ quy định thì hồ sơ phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
- Đối với những ngành, nghề phải có vốn pháp định thì phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ. Sau 03 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ và đủ các điều kiện sau đây thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy phép kinh doanh hộ gia đình:
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thực hiện thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản và gửi cho người thành lập hộ kinh doanh.
Bước 3: Người đại diện hộ gia đình có hồ sơ đăng ký hợp lệ mang theo giấy biên nhận đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để nhận GIấy phép kinh doanh.