Công ty đại chúng là gì và để trở thành công ty đại chung cần những điều kiện gì? Để nắm rõ về khái niệm, điều kiện trở thành công ty đại chúng, quý khách hãy đọc bài viết sau đây của chúng tôi:
- Công ty đại chúng là gì?
Công ty đại chúng có thể hiểu là những công ty thực hiện được huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu); được niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc chứng khoán không niêm yết nhưng lại được giao dịch thông qua các thể chế môi giới chứng khoán.
Công ty đại chúng còn được hiểu là Công ty cổ phần có quy mô và độ phổ biến “đủ lớn” để đạt được tính “Đại chúng”. Nghĩa “đủ lớn” ở đây được hiểu trên 2 khía cạnh vốn điều lệ thực góp và số lượng cổ đông. Theo quy định của Luật ở Việt Nam cụ thể như sau:
Theo Điều 32 Luật chứng khoán 2019 về Công ty đại chúng:
“1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.”
– Trường hợp Công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Công ty này phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty hoàn thành việc góp vốn và có cơ cấu cổ đông đáp ứng yêu cầu trên.
Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng bao gồm:
+ Giấy đăng ký công ty đại chúng;
+ Điều lệ công ty;
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Bản công bố thông tin về công ty đại chúng bao gồm thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông, tài sản, tình hình tài chính và các thông tin khác;
+ Báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty cổ phần được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp công ty tăng vốn điều lệ sau thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm gần nhất, công ty phải bổ sung báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán;
+ Danh sách cổ đông.
– Trường hợp Công ty cổ phần đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đầy đủ và hợp lệ (đối với Trường hợp 1) hoặc nhận được báo cáo kết quả hoàn thành đợt chào bán của công ty cổ phần (đối với Trường hợp 2), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, đồng thời công bố tên, nội dung kinh doanh và các thông tin khác liên quan đến công ty đại chúng trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Ưu và nhược điểm của hình thức tổ chức công ty đại chúng
2.1. Ưu điểm:
Tên của Công ty đại chúng được công khai trên thị trường chứng khoán nên được biết đến rộng rãi và có danh tiếng, uy tín trong xã hội. Khi cần huy động vốn ngoài xã hội, công ty có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu, trái phiếu với chi phí phát hành thấp hơn lần phát hành truớc.
Công ty đại chúng cần báo cáo công khai hoạt động của mình cho công chúng, nên chịu sự giám sát của công chúng, xã hội. Thêm vào đó, hội đồng quản trị và ban giám đốc phải công khai các hoạt động quản lý và điều hành công ty. Ban giám đốc phải chăm lo việc phát triển công ty cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cơ cấu hợp lý vốn, như vậy hoạt động công ty đại chúng đã ràng buộc các giám đốc phải tuân thủ pháp luật, điều hành công ty theo đúng luật công ty. Điều này giúp công ty phát triển tốt và có được niềm tin từ các cổ đông.
2.2. Nhược điểm:
Công ty đại chúng phải chịu chi phí cao vì khi phát hành, công ty sẽ phải chịu các chi phí đợt phát hành như chi phí thuê hãng kiểm toán độc lập để lập báo cáo kiểm toán hoạt động của công ty, chi phí thuê người bảo lãnh phát hành, chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để xin phép phát hành, chi phí quảng cáo cho đợt phát hành.
- Hủy tư cách công ty đại chúng
Trường hợp hủy tư cách công ty đại chúng:
– Vốn điều lệ đã góp không đủ 30 tỷ đồng tính trên báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán
– Có cơ cấu cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32
Công ty đại chúng có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước văn bản thông báo kèm danh sách cổ đông do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có vốn điều lệ đã góp không đủ 30 tỷ đồng tính trên báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán hoặc có cơ cấu cổ đông không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 căn cứ theo xác nhận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Sau 01 năm kể từ ngày không còn đáp ứng quy định mà công ty vẫn không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét hủy tư cách công ty đại chúng.
Công ty phải thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến thời điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy tư cách công ty đại chúng.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc hủy tư cách công ty đại chúng, công ty có trách nhiệm thông báo việc hủy tư cách công ty đại chúng trên trang thông tin điện tử của công ty, phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và thực hiện thủ tục hủy niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc hủy tư cách công ty đại chúng đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng do tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp