Cùng với việc Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, hàng loạt các quy định về doanh nghiệp, trong đó có việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp đều có sự thay đổi. Để giúp quý doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với những quy định mới của pháp luật, chúng tôi xin điểm qua một số thay đổi cần lưu ý khi sử dụng con dấu công ty như sau:
- Dấu dưới hình thức chữ ký số là dấu của doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định dấu của doanh nghiệp bao gồm:
– Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu;
– Hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Trong đó, chữ ký số đã được Nghị định 130/2018/NĐ-CP giải thích là một dạng chữ ký điện tử được mã hóa các dữ liệu, thông tin của một doanh nghiệp dùng để ký thay cho chữ kí trên các loại văn bản và tài liệu số thực hiện trong các giao dịch điện tử qua mạng internet.
Quy định này đã chính thức công nhận chữ ký số là dấu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong việc sử dụng dấu thay vì chỉ sử dụng con dấu khắc như hiện nay.
- Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định này tại Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp sẽ không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu.
- Doanh nghiệp được quyền tự quyết đối với con dấu
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
– Tên doanh nghiệp;
– Mã số doanh nghiệp..
Luật Doanh nghiệp 2020 không đề cập đến quy định bắt buộc về thông tin thể hiện trong nội dung con dấu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được toàn quyền quyết định về nội dung của dấu mình sử dụng mà không chịu ràng buộc bởi quy định pháp luật cũng như toàn quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp (nội dung này chưa được ghi nhận trực tiếp trong Luật Doanh nghiệp 2014).
- Điểm mới trong quản lý, lưu giữ con dấu của doanh nghiệp
– Luật Doanh nghiệp 2014: Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
– Luật Doanh nghiệp 2020: Việc quản lý và lưu giữ dấu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành.