T6, 09 / 2021 4:40 chiều | minhanhqn

Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng kí và cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân. Để có thể kinh doanh hợp pháp, các chủ thể cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh phù hợp. Tùy thuộc vào từng mô hình kinh doanh, nhà nước quy định cơ quan đăng ký kinh doanh khác nhau. Quý khách hãy tìm hiểu rõ hơn về cơ quan đăng ký kinh doanh qua bài viết sau:

Tìm hiểu về cơ quan đăng ký kinh doanh
  1. Cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân thành lập công ty trên lãnh thổ Việt Nam.

Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:

– Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).

Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.

– Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).

  1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh

Theo Khoản 1 ĐIều 216 Luật Doanh nghiệp 2020, Cơ quan đăng ký kinh doanh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

“a) Giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; công khai, cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp;

d) Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;

đ) Chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp;

e) Xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định của Luật này;

g) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

  1. Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh ở đâu?

Các cơ quan đăng ký kinh doanh được tồ chức ở tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương, và ở các quận huyện trực thuộc tỉnh. Việc tim hiểu xem cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh và hoàn thành các thủ tục cần thiết để là nhiệm vụ quan trọng nhất của người kinh doanh. Trước khi thực hiện thủ tục, bạn cần biết nếu mình thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh… thì cần đăng ký ở cơ quan cấp nào, tại địa phương nào.

Phòng đăng kí kinh doanh cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, các loại hình công ty, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị – xã hội, các hợp tác xã kinh doanh những ngành nghề kinh doanh đặc biệt theo quy định của chính phủ và liên hiệp hợp tác xã.

Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể

Vì vậy, nếu bạn muốn đăng ký giấy phép thành lập doanh nghiệp thì cần đăng ký giấy phép kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh sở kế hoạch đầu tư Tỉnh/Thành phố nơi bạn muốn đặt trụ sở doanh nghiệp. Thời gian đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 3-5 ngày làm việc;

Ví dụ: Nếu bạn muốn làm thủ tục đăng ký kinh doanh mở công ty tại Quy Nhơn, thì bạn cần nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Định. Nơi cấp giấy phép kinh doanh là Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Định

Còn bạn muốn đăng ký hộ kinh doanh cá thể thì đăng ký xin giấy phép kinh doanh tại phòng kinh tế/ hoặc kế hoạch tài chính thuộc ủy ban nhân dân cấp Quận/Huyện nơi hộ kinh doanh muốn đặt địa chỉ. Thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là 3 ngày làm việc.

Ví dụ: Nếu bạn muốn xin giấy phép đăng ký kinh doanh tại Phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn thì cần đăng ký kinh doanh thì sẽ nộp hồ sơ tại Phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn.

Bài viết cùng chuyên mục