T5, 09 / 2021 4:28 chiều | minhanhqn

Ở nước ta, khái niệm thừa phát lại vẫn còn xa lạ với rất nhiều người và hầu như người dân không biết đến chức năng của văn phòng thừa phát lại. Bài viết hôm nay của Tư vấn Blue sẽ giúp quý khách hiểu rõ về thừa phát lại, chức năng của văn phòng thừa phát lại và điều kiện để trở thành một thừa phát lại.

Tìm hiểu về thừa phát lại
  1. Thừa phát lại là gì?

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thừa phát lại được thực hiện các công việc sau:

– Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

– Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

– Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

– Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

  1. Điều kiện trở thành thừa phát lại

Để trở thành thừa phát lại, cá nhân phải đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như sau:

– Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;

– Không có tiền án;

– Có bằng cử nhân luật;

– Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phấn, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên;

– Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức;

– Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

  1. Văn phòng thừa phát lại có chức năng gì?

Văn phòng Thừa phát sẽ lại do 01 Thừa phát lại thành lập và được tổ chức theo loại hình của doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại mà do 02 Thừa phát lại trở lên cùng thành lập thì được tổ chức theo loại hình của công ty hợp danh.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì văn phòng thừa phát lại sẽ có các chức năng sau:

3.1. Thực hiện việc tống đạt được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan thi hành án dân sự hoặc của Tòa án.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp, văn bản của Tòa án không được giao tới tay của đương sự gây nên việc phải hoãn phiên tòa, hoãn xét xử. Thông thường việc tống đạt các văn bản của Tòa án sẽ thường được gửi qua bưu điện hoặc trong trường hợp cần thiết thì văn bản sẽ do thư ký Tòa án trực tiếp đi tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, để tránh xảy ra những sai sót này, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án hay Bộ Tư pháp có thể ký kết hợp đồng với văn phòng Thừa phát lại, để văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản này. Đồng thời việc giao cho thừa phát lại tống đạt các văn bản của Tòa án  giúp tạo sự tin cậy trong việc chuyển các văn bản của tòa án tới đương sự.

Thừa phát lại tống đạt hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, việc dân sự trong vụ án hình sự và tố cáo, khiếu nại; tống đạt hồ sơ, tài liệu, giấy tờ của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi mà Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Việc tống đạt này được thực hiện theo thỏa thuận/hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp Thừa phát lại thực hiện tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở các quần đảo, đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.

Sau khi kí kết hợp đồng, các thư ký nghiệp vụ hoặc Thừa phát lại sẽ trực tiếp thực hiện chuyển các tài liệu, hồ sơ đến người dân theo phương thức đã được cơ quan nhà nước yêu cầu. Sau đó, văn phòng thừa phát lại phải thông báo kết quả lại cho cơ đã kí hợp đồng về việc tống đạt. Việc thông báo kết quả tống đạt hoặc giao các tài liệu để chứng minh đã hoàn thành việc tống đạt cho cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, tổ chức, cơ quan khác đã yêu cầu phải được thực hiện trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày văn phòng thừa phát lại thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3.2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Vi bằng là một nguồn chứng cứ để Tòa án có thể dùng để xem xét khi giải quyết vụ việc hành chính và dân sự theo quy định của pháp luật. Là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các tổ chức, cơ quan, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nếu như Công chứng chỉ chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của giao dịch, hợp đồng,… bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận hành vi, sự kiện được dùng để làm chứng cứ cho việc xét xử và cho các quan hệ pháp lý khác. Từ đó tạo nên một kênh mới trong việc tạo lập chứng cứ, vừa giúp cho người dân vừa làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc tranh chấp. Từ đó tăng sự chủ động, giúp người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

Vi bằng ghi nhận hiện trạng có thể lập trong trường hợp ghi nhận di sản thừa kế;  khi các bên ly hôn, kết hôn; Xác nhận tình trạng tài sản bị hư hỏng do hành vi của người khác,….. Vi bằng ghi nhận hành vi,  sự kiện bao gồm một số trường hợp điển hình như: Lập vi bằng ghi nhận họp của công ty; Lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, giao nhận tài sản; Lập vi bằng ghi nhận việc đặt cọc; Lập vi bằng ghi nhận việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác một cách trái pháp luật; Lập vi bằng ghi nhận việc báo chí đưa thông tin sai sự thật.

3.3. Chức năng xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự

Thừa phát lại có thẩm quyền xác minh các điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc này thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án các cấp theo yêu cầu của khách hàng. Việc xác minh, điều tra các điều kiện thi hành án được thực hiện bởi Thừa phát lại khi có yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Khi Thừa phát lại trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án, thì các tổ chức, cá nhân, cơ quan có liên quan phải thực hiện theo yêu cầu của Thừa phát lại. Trong các trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời chuyên gia hoặc các cơ quan chuyên môn để làm rõ nội dung cần xác minh.

Thủ tục thực hiện xác minh được thực hiện như sau: Sau khi đã tiếp nhận yêu cầu và các tài liệu kèm theo của khách hàng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại sẽ ra quyết định về việc thực hiện xác minh. Việc xác minh này được tiến hành trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu.

Thừa phát lại sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, truy tìm,  xác minh tài sản của người phải thi hành án gồm: Động sản ( ô tô, tàu thủy, xe máy, xà lan, …..); bất động sản, giấy tờ có giá trị (Sổ tiết kiệm, nhà và đất, cổ phiếu…….), tài khoản tại tổ chức tín dụng, Ngân hàng, vốn góp tại Công ty, tài sản có được do thừa kế, ly hôn, kết hôn, cho vay, lương,….. làm căn cứ cho việc áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, hoặc làm căn cứ cho việc tư vấn, thực hiện việc thu hồi tài sản để trả lại cho người được thi hành án một cách hiệu quả, nhanh chóng.

3.4. Tổ chức thi hành các quyết định, bản án của Tòa án.

Khi tổ chức thực hiện thi hành án, Thừa phát lại có thẩm quyền như một chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự. Trong khi thực hiện chức năng thi hành án, Thừa phát lại có quyền được áp dụng các biện pháp để đảm bảo thi hành án, nhằm ngăn chặn việc hủy hoại, tẩu tán tài sản trốn tránh việc thi hành án. Thừa phát lại có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; phong tỏa các tài khoản; tạm dừng việc đăng ký chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng của tài sản; và các biện pháp cưỡng chế thi hành án khi xét thấy cần thiết.

  1. Văn phòng công chứng và văn phòng thừa phát lại có giống nhau?

Người thành lập văn phòng công chứng là Công chứng viên còn Văn phòng thừa phát lại được thành lập bởi Thừa phát lại. Công chứng viên và Thừa phát lại có tiêu chuẩn, điều kiện, cách đào tạo khác biệt nhau bởi vậy giữa hai văn phòng này có sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ.

Văn phòng công chứng thực hiện chứng thực hoặc công chứng giao dịch, hợp đồng theo quy định của pháp luật hoặc theo nhu cầu của người dân. Còn chức năng của Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận hành vi, sự kiện có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến hoặc lập theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thì thừa phát lại, thừa phát lại không có quyền thực hiện việc công chứng, chứng thực cũng như kiêm nhiệm các chức danh khác như công chứng viên, luật sư.

Bài viết cùng chuyên mục