Từ ngày 1/1/2021, Luật doanh nghiệp năm 2020 chính thức có hiệu lực pháp luật. Luật mới có một số điểm khác biệt so với Luật doanh nghiệp 2014 dẫn đến việc thành lập cũng như điều hành doanh nghiệp từ 2021 sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý mà các tổ chức, cá nhân cần cập nhật như sau:
- Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
So với Luật Doanh nghiệp 2014 (đang có hiệu lực) thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:
– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng
Theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ().
Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:
– Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”. Doanh nghiệp sau khi nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh có thể tự quyết định số lượng, loại dấu, hình thức, nội dung dấu và không phải làm thủ tục thông báo mãu dấu lên cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp 2014 quy định trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp khi có thay đổi là của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm:
– Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có thay đổi theo quy định.
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi có thay đổi theo quy định.
– Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp khi có thay đổi theo quy định.
- Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm Tên doanh nghiệp và cụm từ “Địa điểm kinh doanh”
Khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh như sau:
“2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.”
Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định tên địa điểm kinh doanh phải có cụm từ “Địa điểm kinh doanh”. Tuy nhiên, từ 2021 tên của địa điểm kinh doanh phải bao gồm cụm từ này.
- Doanh nghiệp tư nhân được chuyển thành công ty cổ phần
Theo Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân chỉ được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển thành công ty cổ phần thì phải chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn rồi sau đó mới chuyển thành công ty cổ phần.
Luật mới quy định doanh nghiệp tư nhân được chuyển thẳng thành công ty cổ phần. Đây là điểm mới, tiến bộ so với Luật Doanh nghiệp 2014 (theo khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020).
doanh nghiệp tư nhân được trực tiếp chuyển đổi thành công ty cổ phần khi có nhu cầu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán. Và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Chủ DNTN có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
- Chủ DNTN cam kết bằng văn bản. Hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DNTN.
- Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký
– Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
– Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
– Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
– Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
– Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-“, “_” (hiện hành chỉ quy định các ký hiện “&”, “.”, “+”, “-“, “_”);
– Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
– Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” (hiện hành quy định các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự);
– Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
- Quy định về định giá tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận”
Còn theo Luật doanh nghiệp 2020:
– Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
– Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.
Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận
Trên đây là một số điều các doanh nghiệp cần lưu ý, để nắm bắt rõ hơn những quy định mới, quý khách đừng ngần ngại liên hệ với Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.