T4, 04 / 2021 4:51 chiều | minhanhqn

Để thành lập một doanh nghiệp, điều quan trọng mà cá nhân, tổ chức phải nghĩ tới là nguồn vốn. Thông thường khi bắt đầu mỗi công ty sẽ có hai phần nguồn vốn cơ bản là vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu. Bài viết sau đây sẽ giúp quý khách tìm hiểu vốn điều lệ là gì? Vốn chủ sở hữu là gì? Sự khác biệt giữa hai loại vốn này?

Sự khác biệt giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu
  1. Vốn điều lệ là gì?

Theo quy định tại khoản 34 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Trong đó:

Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Tài sản được sử dụng để thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp bao gồm nhiều loại khác nhau. Có thể là vàng, ngoại tệ được tự do chuyển đổi, Việt Nam Đồng, giá trị về quyền được sở hữu trí tuệ, giá trị về quyền được sử dụng đất, bí quyết của kỹ thuật, công nghệ, những loại tài sản khác mà có thể được định giá bằng Việt Nam Đồng.

  1. Vốn của chủ sở hữu là gì?

Không có một văn bản nào định nghĩa vốn chủ sở hữu, tuy nhiên trên thực tế có thể hiểu Vốn chủ sở hữu là loại vốn do chủ doanh nghiệp hoặc các thành viên trong công ty đưa vào cho công ty để phục vụ các hoạt động của công ty, đồng thời loại vốn này được ưu tiên thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi được chia đều cho chủ công ty. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình tình hình phát triển và hoạt động cân đối các nguồn thu của doanh nghiệp.

Trên thực tế, các chủ sở hữu cùng nhau góp vốn để hợp tác tiến hành một hoạt động sản xuất kinh doanh nào đó.

Lợi nhuận thu được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trên, cũng như những khoản lỗ nếu việc vận hành kinh doanh gặp nhiều rủi ro, không có lãi,… sẽ được chia sẻ.

Dựa trên những phân tích nên trên, vì vốn chủ sở hữu là số vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp có đầy đủ quyền chiếm hữu chi phối và định đoạt.

Nó có thể hình thành do nhà nước cấp, do doanh nghiệp bỏ ra  hoặc do góp vốn cổ phần, bổ sung từ lợi nhuận để lại, hình thành từ thăng dư vốn.

Vốn chủ sở hữu bao gồm:

  • Vốn điều lệ
  • Vốn đóng góp của các nhà đầu tư để thành lập hoặc mở rộng doanh nghiệp.
  • Các khoản thặng dư vốn cổ phần do phát hành cố phiếu cao hơn hoặc thấp hơn mệnh giá.
  • Các khoản nhận biếu, tặng tài trợ.
  • Vốn được bổ sung từ kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của chính sách tài chính hoặc quyết định của các chủ sở hữu vốn, của Hội đồng quản trị,…
  • Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, và các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế
  • Giá trị cổ phiếu quỹ làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu.
  1. Sự khác biệt

3.1. Về bản chất:

  • Vốn điều lệ thực chất là khoản tài sản mà chủ thể đưa vào công ty để chủ thể góp vốn trở thành chủ sở hữu của công ty đó.
  • Vốn chủ sở hữu là khoản tài sản mà những chủ thể trên thực tế đã là chủ sở hữu của công ty, trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thu lại được.

3.2. Về chủ sở hữu:

  • Vốn điều lệ thuộc sở hữu các cá nhân, tổ chức góp hoặc cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp.
  • Vốn chủ sở hữu có thể là Nhà nước, cá nhân hoặc các tổ chức tham gia góp vốn, các cổ đông mua và nắm giữ cổ phiếu là chủ sở hữu. Doanh nghiệp cũng có có đầy đủ quyền chiếm hữu chi phối và định đoạt vốn chủ sở hữu.

3.3. Cơ chế hình thành:

  • Vốn điều lệ được hình thành dựa trên số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty
  • Vốn chủ sở hữu có thể hình thành do nhà nước cấp, do doanh nghiệp bỏ ra hoặc do góp vốn cổ phần, bổ sung từ lợi nhuận để lại.

3.4. Đặc điểm:

  • Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập. Do đó, vốn điều lệ được coi là tài sản của công ty. Vì lẽ đó, khi doanh nghiệp phá sản thì vốn điều lệ có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ của doanh nghiệp..
  • Vốn chủ sở hữu do chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả kinh doanh, do đó nguồn vốn chủ sở hữu không phải là một khoản nợ.

3.5. Ý nghĩa:

  • Vốn điều lệ là sự cam kết mức trách nhiệm vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác. Đây là vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp và là cơ sở để phân chia lợi nhuận, cũng như rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
  • Vốn chủ sở hữu phản ánh số liệu và tình hình tăng, giảm các loại nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp, của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu đại diện cho giá trị cổ phần của nhà đầu tư khi đầu tư vào một công ty. Sở hữu cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận vốn hoặc tăng giá cổ phiếu cũng như cổ tức cho các cổ đông. Đối với chủ sở hữu vốn trong công ty cổ phần cũng có thể cho các cổ đông quyền bỏ phiếu trong bất kỳ cuộc bầu cử nào của hội đồng quản trị.

 

Bài viết cùng chuyên mục