Trong một số lĩnh vực đòi hỏi về trình độ, kinh nghiệm của công ty, các nhà đầu tư thường lựa chọn mua một doanh nghiệp có sẵn bởi nó là sự đầu tư ít rủi ro hơn và mang lại lợi nhuận nhanh hơn so với việc tạo dựng một doanh nghiệp từ con số không. Tuy nhiên, việc mua lại công ty vẫn tiềm ẩn những rủi ro nếu bạn không xem xét kĩ trước khi quyết định mua công ty. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ đến quý khách những điều cần lưu ý khi mua lại doanh nghiệp
- Hình thức mua bán doanh nghiệp
Mua bán công ty về bản chất cũng giống như hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thông thường, tuy nhiên có một đối tượng của hợp đồng mua bán này tương đối đặc thù đó là một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ và tài sản riêng. Việc mua lại doanh nghiệp được hiểu như việc mua lại các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bên mua lại sẽ tiếp tục kế thừa và tiếp tục thực hiện các công việc của công ty bán.
Đối với tài sản của doanh nghiệp thì việc mua bán này đơn thuần chỉ là giao dịch dân sự liên quan đến tài sản thông thường như máy móc, nhà xưởng, bàn ghế,….Người mua theo hình thức này không phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ gì với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Việc mua bán này thì pháp luật không quy định điều chỉnh mà cho các bên tự do thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự.
Còn đối với việc mua bán lại toàn bộ doanh nghiệp, tức không chỉ bán tài sản hữu hình mà lúc này còn bán cả những tài sản vô hình của doanh nghiệp, người mua sẽ trở thành chủ sở hữu và chịu trách nhiệm pháp lý với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên lúc này, pháp luật quy định các hình thức mua bán mà các chủ thể được thực hiện. Đối với từng loại hình doanh nghiệp mà sẽ có các hình thức mua bán doanh nghiệp khác nhau. Trong số 5 loại hình doanh nghiệp hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp tư nhân có được phép bán và chuyển nhượng doanh nghiệp. Còn những doanh nghiệp không được thực hiện việc bán doanh nghiệp, nếu thành viên góp hoặc cổ đông muốn rút lui thì phải chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp và cổ phần lại cho người khác hoặc yêu cầu công ty mua lại khi đủ cơ sở. Cụ thể:
- Doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp của mình cho người khác
- Công ty cổ phần: Việc mua bán công ty cổ phần được thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phần.
- Công ty TNHH: Việc mua bán doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn được tiến hành thông qua việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty.
- Những lưu ý khi mua bán doanh nghiệp
2.1. Cần hiểu rõ về bản chất của doanh nghiệp
Theo quy định pháp luật hiện nay, có 5 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần. Mỗi mô hình doanh nghiệp sẽ có những tính chất riêng, cơ chế hoạt động, phân chia lợi nhuận và chịu trách nhiệm riêng. Do vậy, trước khi xem xét về việc mua bán, bạn cần kiểm tra kỹ lại xem công ty đó bản chất là gì và cơ cấu tổ chức bên trong như thế nào.
2.2. Kiểm tra lại tình trạng thực tế của doanh nghiệp bị bán
Trước khi quyết định mua lại Công ty, cần thực hiện việc thẩm định pháp lý, tài chính, tài sản của Công ty để xác định chính xác các khoản nợ, gánh nặng và nghĩa vụ trước và tại thời điểm chuyển nhượng.
Nhà đầu tư cần kiểm tra xem công ty đó có bị đóng mã số thuế không, có đóng thuế, nộp tờ khai thuế đầy đủ hay không? Đồng thời cần xem xét các báo cáo tài chính và các bản khai thuế của công ty trong vòng từ 3-5 năm qua để đánh giá được tình trạng tài chính hiện tại và các xu hướng tài chính trong tương lai của công ty trước khi mua lại.
Nếu công ty có khoản nợ, bạn phải xác định được nguyên nhân nợ, nguồn gốc khoản nợ là của ai,… và tìm được nguồn tài chính để doanh nghiệp khôi phục hoạt động.
Việc thẩm định này không chỉ đảm bảo bên mua có quyết định chính xác nhất về việc có nhận chuyển nhượng Công ty hay không mà còn quyết định vấn đề về giá chuyển nhượng, về ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với các nghĩa vụ còn tồn đọng của doanh nghiệp. Trong đa số các trường hợp chuyển nhượng Công ty, các chủ sở hữu cũ vẫn phải gánh trách nhiệm đối với một số nghĩa vụ của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng để đưa vào hợp đồng chuyển nhượng.
2.3. Đội ngũ nhân viên:
Những nhân viên chủ chốt là tài sản quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần xác định trình độ chuyên môn cũng như khả năng làm việc và định hướng tương lai của đội ngũ nhân viên. Cùng với kế hoạch tiếp nhận doanh nghiệp, các bên cần có một kế hoạch sử dụng nhân sự một cách hợp lý, tránh trường hợp gây hoang mang, dao động tâm lý hoặc chảy máu chất xám.
2.4. Khách hàng:
Việc mua lại doanh nghiệp có mục đích chủ yếu là tận dụng những điều kiện có sẵn để tạo bàn đạp cho nhà đầu tư phát triển ở một thị trường mới. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu về lượng khách hàng, mối quan hệ hợp tác và lợi nhuận của doanh nghiệp mục tiêu trong thời điểm hiện tại để có thể tạo nền tảng cho việc ổn định, xây dựng và phát triển lượng khách hàng của doanh nghiệp sau khi mua lại. Khách hàng là tài sản quan trọng nhất của công ty, phải bảo đảm là các khách hàng cũng bền vững như những tài sản hữu hình khác.
2.5. Thương hiệu
Thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Việc mua lại doanh nghiệp có thương hiệu sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí xây dựng thương hiệu cho công ty. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu cũng tỷ lệ thuận với giá trị giao dịch khi mua lại doanh nghiệp. Vì vậy, nhà đầu tư cần định giá thương hiệu một cách hợp lý, phù hợp với ngân sách.
Để tìm hiểu kỹ hơn về những vấn đề cần chú ý kiểm tra, đánh giá của công ty có ý định mua lại, quý khách hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết.