Việc đầu tư thành lập, góp vốn vào các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhu cầu góp vốn vào các công ty để có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, việc góp vốn của cán bộ, công chức, viên chức được pháp luật quy định khá chặt chẽ. Tư vấn Blue sẽ giúp các bạn nắm được các quy định pháp luật về vấn đề này thông qua bài viết sau đây:
- Công chức, viên chức là gì?
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (theo Điều 4, Khoản 1Luật cán bộ, công chức năm 2008)
- Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (theo Điều 2 Luật viên chức năm 2010)
- Công chức, viên chức có được tham gia thành lập, góp vốn vào công ty không?
Theo quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014, tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này trừ các trường hợp sau: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác…
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Hay nói cách khác, cán bộ, công chức, viên chức không được góp vốn, cổ đông sáng lập và làm người quản lý của công ty.
Và theo khoản 3 Điều 14 Luật viên chức về quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định:
“Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”
Như vậy, công chức, viên chức vẫn có quyền mua lại phần vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh, mua cổ phần của công ty cổ phần sau khi công ty đã thành lập.
Tại Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:
– Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
– Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
– Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
– Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, cán bộ, công chức, viên chức được quyền góp vốn vào công ty để thực hiện việc đầu tư, kinh doanh của mình, trừ một số đối tượng nhất định được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng trên.
Như vậy tùy từng loại hình doanh nghiệp mà cán bộ, công chức, viên chức có thể tham gia góp vốn hoặc không, cụ thể là:
– Đối với công ty cổ phần: cán bộ, công chức, viên chức không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp mà chỉ được làm cổ đông góp vốn của công ty.
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn vì khi tham gia đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên, có vai trò quản lý trong công ty.
– Đối với công ty hợp danh: công ty hợp danh có 2 loại thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn, trong đó cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên góp vốn chứ không được tham gia với tư cách hợp danh.
Để tránh tình trạng tham nhũng có thể xảy ra, việc góp vốn vào các loại hình công ty của cán bộ, công chức, viên chức được pháp luật quy định chặt chẽ. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, quý khách hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại hotline 0911.999.029.