Công ty cổ phần với khả năng huy động vốn linh hoạt nhưng cũng có cơ cấu khá phức tạp với nhiều cơ quan, thành viên. Trong đó, Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty. Vậy hội đồng quản trị có quyền hạn gì và làm thế nào để trở thành thành viên Hội đồng quản trị của công ty?
- Hội đồng quản trị là gì?
Khoản 1 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
“Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.”
Như vậy, Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty cổ phần. Hội đồng quản trị có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Tùy vào cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần, Hội đồng quản trị có các thành viên hội đồng quản trị và có thể có thành viên độc lập Hội đồng quản trị.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 về cơ cấu tổ chức và quản lý của Công ty cổ phần:
“Điều 137. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.”
Như vậy, khi lựa chọn đăng ký công ty cổ phần thì doanh nghiệp có thể chọn một trong hai mô hình trên để tổ chức quản lý và hoạt động nhưng dù bạn có lựa chọn mô hình nào thì đều bao gồm hoạt động của Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị là thành phần bắt buộc phải có trong cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty cổ phần.
- Thành viên hội đồng quản trị
Thành viên hội đồng quản trị là các cá nhân có đủ tiêu chuẩn và điều kiện trở thành thành viên của Hội đồng quản trị. Tùy vào từng công ty mà số lượng thành viên hội đồng quản trị sẽ là từ 3 đến 11 người. Số lượng thành viên hội đồng quản trị được quy định tại Điều lệ công ty.
Hội đồng quản trị có thành viên hội đồng quản trị và thành viên hội đồng quản trị độc lập, mỗi loại có tiêu chuẩn riêng:
Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020, thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, người từ đủ 18 trở lên được xác định là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ các trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
– Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
Tiêu chuẩn của thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị
Khi công ty cổ phần được tổ chức theo mô hình: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật doanh nghiệp 2020) thì ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập.
Để trở thành thành viên độc lập của Hội đồng quản trị, cá nhân cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau và điều kiện sau đây, trừ trường hợp luật chứng khoán có quy định khác:
– Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
– Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
– Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
– Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
– Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.
Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
- Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.
Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định.
Trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải thông báo với Hội đồng quản trị về việc không còn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và đương nhiên không còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện. Hội đồng quản trị phải thông báo trường hợp thành viên độc lập Hội đồng quản trị không còn đáp ứng đủ điều kiện tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất hoặc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên độc lập Hội đồng quản trị đó trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của thành viên độc lập Hội đồng quản trị có liên qua.
- Miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị
Điều 160 Luật doanh nghiệp 2020 quy định thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
– Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 như mục 1.
– Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
– Có đơn từ chức;
– Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.
Thành viên Hội đồng quản trị có thể bị bãi nhiệm theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Để có thể hiểu rõ về cơ cấu công ty cổ phần và có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, quý khách hãy liên hệ ngay với Tư vấn Blue để nhận được tư vấn pháp lý chi tiết.