Hiện nay, trong môi trường kinh doanh năng động, các doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều với các lĩnh vực hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật về doanh nghiệp cũng như về thuế. Nhằm cung cấp cho quý doanh nghiệp các thông tin cần thiết trước và sau khi thành lập công ty, Tư vấn Blue xin gửi đến quý khách bài viết về các loại thuế cần nộp sau khi thành lập công ty.
- Thuế là gì?
Thuế là khoản thu nộp mang tính chất bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định, nhằm xây dựng ngân sách cho chính quyền để điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội.
- Chức năng của thuế
- Thuế là nguồn thu quan trọng nộp vào ngân sách nhà nước. Nhà nước sử dụng tiền để có thể giúp phát triển đất nước, chi tiêu vào những mục đích và lợi ích của quốc gia. Vì vậy, thuế là nguồn lực tài chính của quốc gia và đảm bảo sự tồn tại của Nhà nước
- Thuế có nhiệm vụ điều tiết kinh tế, tạo được sự công bằng trong kinh doanh. Nhà nước sử dụng thuế để tác động lên lợi ích kinh tế của các chủ thể vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân. Mỗi doanh nghiệp phải đóng một mức thuế khác nhau tùy thuộc vào quy mô cũng như lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó Nhà nước kích thích các hoạt động kinh tế đi vào quỹ đạo chung của nền kinh tế quốc dân, Bên cạnh đó nhà nước có thể hỗ trợ nhiều doanh nghiệp mới bằng cách hoàn lại thuế, giảm thuế và hỗ trợ.
- Phân loại
- Căn cứ vào tính chất:
– Nhóm thuế trực thu: là những loại thuế mà nhà nước thu trực tiếp vào các pháp nhân hay thể nhân khi có tài sản hoặc thu nhập được quy định nộp thuế. Đây là loại thuế mà người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Ví dụ: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà đất …
– Nhóm thuế gián thu: là những loại thuế đánh vào giá trị hàng hoá khi nó lưu chuyển trên thị trường. Nhóm thuế này bao gồm các loại thuế mà người trực tiếp nộp thuế không phải là người chịu thuế, nó được tính vào sản phẩm hoặc dịch vụ mà cá nhân người dùng là người chịu thuế. Người nộp thuế gián thu là người đóng thuế hộ người tiêu dùng. Ví dụ: thuế giá trị gia tăng…
- Căn cứ vào đối tượng chịu thuế:
- Thuế thu nhập
Thuế thu nhập bao gồm các sắc thuế có đối tượng chịu thuế là thu nhập nhận được, thu nhập này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: thu nhập từ lao động dưới dạng tiền lương, tiền công, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh dưới dạng lợi nhuận, lợi tức cổ phần… như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Thuế tiêu dùng
Thuế tiêu dùng là các loại thuế có đối tượng chịu thuế là phần thu nhập được mang tiêu dùng trong hiện tại. Bao gồm: Thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…
- Thuế tài sản
Thuế tài sản là các loại thuế có đối tượng chịu thuế là giá trị tài sản như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường,…
- Các loại thuế cần nộp sau khi thành lập doanh nghiệp
4.1. Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là lệ phí trực thu đánh vào vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp.Đây là lệ phí bắt buộc hàng năm, sau khi có GPKD thì Doanh nghiệp phải nộp Tờ khai lệ phí môn bài cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:
+ Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3 triệu đồng /1 năm.
+ Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2 triệu đồng /1năm.
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1triệu đồng/1năm.
Hạn nộp tờ khai thuế môn bài (theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP):
+ Việc khai lệ phí môn bài được thực hiện một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.
+ Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm. Trường hợp người nộp phí mới ra hoạt động hoặc mới thành lập thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.
4.2. Thuế Thu nhập doanh nghiệp:
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp.
Theo điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ tài chính: Doanh nghiệp không phải lập tờ khai thuế TNDN tạm tính, chỉ cần dựa trên kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tính ra số tiền tạm nộp chậm nhất vào ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Thuế TNDN phải nộp = Giá tính thuế TNDN x Thuế suất
4.3. Thuế Giá trị gia tăng (Thuế GTGT)
Thuế giá trị gia tăng hay còn nói dễ hiểu là thuế bán hàng, là phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán sản phẩm, hàng hóa.
Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng:
Phương pháp khấu trừ: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào
Phương pháp trực tiếp: Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó.
Thuế suất thuế GTGT đối với các doanh nghiệp dao động ở các mức 0% – 5% – 10% tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp.
4.4. Thuế thu nhập cá nhân (Thuế TNCN)
Thuế TNCN là loại thuế mà doanh nghiệp nộp thay cho người lao động. Thuế TNCN được tính theo tháng, kê khai theo tháng hoặc quý nhưng quyết toán theo năm.
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất
Trong đó:
– Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ
– Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả.
– Các khoản giảm trừ bao gồm:
+ Giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.
+ Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.
+ Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Ngoài ra, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có thể phải đóng các loại thuế khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt,…
Để biết thêm thông tin chi tiết về các loại thuế cần nộp, quý khách hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!