T6, 01 / 2021 4:41 chiều | minhanhqn

Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Các chủ thể không nhất thiết phải thực hiện hết tất cả các công đoạn của quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ, phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới được xem là kinh doanh. Hiện nay, các cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn các hình thức kinh doanh như sau:

Các hình thức kinh doanh tại Hoài Nhơn hiện nay
  1. Các hình thức kinh doanh

Hiện nay tại Việt Nam, các cá nhân có thể tự chủ kinh doanh hoặc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã. Cụ thể:

  • Kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Có 04 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay bao gồm: Công ty cổ phần công ty TNHH, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Trong đó:

– Công ty cổ phần là doanh nghiệp có:

+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật.

– Công ty TNHH (trách nhiệm hữu hạn): bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

+Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, công ty cũng được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.

+ Doanh nghiệp tư nhân: doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh

Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào cũng như không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

– Công ty hợp danh: là doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Trong đó:

. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

  • Kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.

  • Kinh doanh theo hình thức hợp tác xã

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

  1. Ngành nghề được phép kinh doanh tại Việt Nam hiện nay

Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 cụ thể như sau: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Như vậy, doanh nghiệp có quyền được tự do kinh doanh ngành, nghề phù hợp với mục đích và nhu cầu của thị trường. Những ngành nghề được kinh doanh phải không thuộc các ngành nghề kinhd doanh bị cấm và kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của phap luật, việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng các điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Như vậy, trước khi thành lập công ty để đi vào kinh doanh, các cá nhân tổ chức cần lưu ý lựa chọn cho mình hình thức kinh doanh phù hợp cũng như xem ngành, nghề mình muốn kinh doanh có được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không và ngành, nghề đó có phải đáp ứng các điều kiện gì để được kinh doanh theo quy định của pháp luật hay không.

Bài viết cùng chuyên mục