Kiểu dáng công nghiệp là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện đều được bảo hộ kiểu sáng công nghiệp của mình. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm trước khi bán ra thị trường là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhằm bảo vệ sản phẩm khỏi các hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sở hữu công nghiệp. Khi phát hiện có chủ thể khác kinh doanh, sản xuất sản phẩm có kiểu dáng giống sản phẩm của mình, quý doanh nghiệp cần làm gì để ngăn chặn hành vi xâm phạm trên? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc trên của quý khách.
- Quyền của chủ sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có các quyền sau đây:
- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, gồm các hành vi:
– Sản xuất sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
– Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm này.
– Nhập khẩu sản phẩm này.
- Quyền ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Trừ các trường hợp sau:
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định về quyền sử dụng trước kiểu dáng công nghiệp
- Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
– Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
+ Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
+ Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
+ Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
+ Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
– Hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp
+ Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
+ Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Tuy nhiên, để nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định thêm về các trường hợp giới hạn quyền sở hữu công nghiệp. Đối với kiểu dáng công nghiệp, yếu tố hạn chế là quyền của người sử dụng trước.
- Hình thức xử lý hành vi xâm phạm
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Các biện pháp khắc phục hậu quả khác như tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết bao gồm:
– Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp;
– Cơ quan Quản lý thị trường các cấp;
– Cơ quan Hải quan các cấp;
– Cơ quan Công an các cấp;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc huyện.
- Thực hiện xử lý vi phạm về kiểu dáng công nghiệp
Thông thường, trong trường hợp xảy ra vi phạm kiểu dáng công nghiệp sẽ giải quyết theo các bước sau:
– Điều tra thu thập chứng cứ vi phạm
– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá chứng cứ vi phạm. Việc giám định kiểu dáng tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ sẽ tạo cơ sở chắc chắn hơn để xác định xem kiểu dáng của bạn có bị vi phạm hay không, để từ đó đưa ra quyết định có hay không đưa vụ việc tới cơ quan Nhà nước
– Soạn thảo văn bản cảnh báo bên vi phạm, đàm phán với bên vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Chủ thể quyền SHTT phải gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và cơ quan thực thi chỉ vào cuộc nếu hành vi vi phạm của bên vi phạm vẫn diễn ra sau khi đã được cảnh báo.
– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vi phạm khi không đạt được mục đích thông qua thương lượng, đàm phán.