T6, 10 / 2021 4:56 chiều | minhanhqn

Sáng chế vs giải pháp hữu ích tạo ra những giải pháp, quy trình có giá trị trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Tuy có  sự khác nhau cơ bản về điều kiện bảo hộ, thời gian bảo hộ và hình thức bảo hộ nhưng nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Bài viết hôm nay của chúng tôi sẽ đưa ra những thông tin liên quan đến sáng chế và giải pháp hữu ích để giúp quý khách phân biệt được sự khác biệt giữa sáng chế và giải pháp hữu ích.

Phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích
  1. Khái niệm

Sáng chế là một hoặc nhiều giải pháp kỹ thuật tồn tại dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình. Nó được tạo ra nhằm giải quyết một vấn đề xác định thông qua việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Như vậy, có thể hiểu đơn giản, sáng chế là một sản phẩm được sáng tạo bởi con người dựa trên việc ứng dụng quy luật của tự nhiên.

Giải pháp hữu ích cũng là một giải pháp kỹ thuật tồn tại ở dạng sản phẩm hoặc quy trình. Mục đích của nó là cải tiến hoặc bổ sung thêm chức năng cho những sáng chế trước đó thông qua việc áp dụng các quy luật tự nhiên. Giải pháp hữu ích phải được tạo ra bởi hoạt động lao động sáng tạo của con người, tuyệt nhiên không phải là sản phẩm của tự nhiên.

Cụ thể, giải pháp hữu ích có thể ở dạng sản phẩm như một kết cấu như máy móc, thiết bị, dụng cụ, linh kiện hoặc dưới dạng một chất như chất liệu, vật liệu, thực phẩm, dược phẩm… Bên cạnh đó, giải pháp hữu ích còn là một quy trình chẳng hạn như quy trình công nghệ, phương pháp chẩn đoán, kiểm tra, dự báo, sản xuất, chế tạo, xử lý,…

Như vậy, giải pháp hữu ích được xem như một dạng của sáng chế. Tuy nhiên điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ của giải pháp hữu ích đơn giản hơn.

  1. Điểm tương đồng giữa sáng chế và giải pháp hữu ích
  • Chúng đều là những giải pháp kỹ thuật tồn tại dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình. Đây cũng là tiêu chí đầu tiên để xác định một đối tượng có thể được bảo hộ sáng chế hay không, bởi lẽ nếu đối tượng chỉ là các dấu hiệu/hình dáng/cách thức thể hiện… thì sẽ được bảo hộ theo các cơ chế khác nhau của sở hữu trí tuệ như bảo hộ nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng
  • Đều phải đăng ký bảo hộ với tính độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và được pháp luật bảo hộ.
  • Đều cần phải đáp ứng về tính mới. Tính mới được thể hiện ở chỗ các đặc tính, mô tả về sáng chế/giải pháp hữu ích phải chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
  • Tuân thủ đầy đủ mọi luật định của Luật Sở hữu trí tuệ về đăng ký, gia hạn, duy trì và chấm dứt sự bảo hộ.
  • Sáng chế và giải pháp hữu ích đều có khả năng áp dụng công nghiệp. Khả năng áp dụng công nghiệp là một thuật ngữ được sử dụng nhằm để chỉ khả năng chế tạo, sản xuất hoặc khả năng thực hiện hay sử dụng trong thực tiễn của sáng chế.
  1. Điểm khác nhau

3.1. Về điều kiện bảo hộ

Điều kiện để sáng chế được bảo hộ trên cơ sở cấp văn bằng bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Trong khi giải pháp hữu ích chỉ cần có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp. Như vậy, sáng chế có yêu cầu cao hơn so với giải pháp hữu ích khi đòi hỏi tính sáng tạo, điều này không được yêu cầu ở giải pháp hữu ích.

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Với kiều kiện bảo hộ đơn giản hơn như trên, đơn đăng ký giải pháp hữu ích thường có khả năng cấp văn bằng bảo hộ cao hơn so với đơn đăng ký sáng chế.

3.2. Về hình thức bảo hộ

Chủ sở hữu đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế còn chủ sở hữu khi đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích sẽ được cấp quyền Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Việc lựa chọn đăng ký một giải pháp kỹ thuật là sáng chế hay giải pháp hữu ích tùy thuộc phần lớn vào trình độ sáng tạo cũng như số lượng các giải pháp kỹ thuật có được trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Một đặc quyền dành cho chủ đơn là trường hợp đơn đăng ký sáng chế không đáp ứng tính sáng tạo thì chủ đơn có thể chủ động chuyển thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích để được cấp văn bằng bảo hộ.

3.3. Thời gian bảo hộ

Thời gian bảo hộ sáng chế dài hơn thời gian bảo hộ giải pháp hữu ích do đáp ứng điều kiện bảo hộ khắt khe hơn so với giải pháp hữu ích. Trong khi bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn thì bằng độc quyền giải pháp hữu ích chỉ có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

3.4. Quyền sử dụng trước

Điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.”

Như vậy, sáng chế là đối tượng của quyền sử dụng trước còn giải pháp hữu ích không phải là đối tượng của quyền sử dụng trước. Sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người có quyền sử dụng trước tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Việc thực hiện quyền này không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế.

Bài viết cùng chuyên mục