T5, 10 / 2021 4:22 chiều | minhanhqn

Những tài liệu chuyên môn, các cuốn sách giáo khoa, giáo trình được biên soạn dựa trên sự nghiên cứu và chắt lọc thông tin một cách kỹ lưỡng của các tác giả nhằm đưa đến cho người đọc những thông tin chọn lọc giá trị. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa biết những tác phẩm này thuộc thể loại nào và quy định pháp luật về nó ra sao. Quý khách hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây:

Quy định pháp luật về tác phẩm biên soạn
  1. Biên soạn là gì?

Biên soạn chính là việc chọn lọc và thu thập những tài liệu theo chủ đề và tổng hợp lại các thông tin này để viết thành sách hoặc một bài viết. Tác giả biên soạn sẽ tiến hành thu thập các thông tin, tài liệu. Sau đó, chọn lọc các tài liệu liên quan đến chủ đề đang muốn hướng tới nhằm mục đích viết thành sách hoặc viết thành bài viết theo chủ đề nhất định và có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo, chẳng hạn như biên soạn giáo trình, bài giảng, từ điển, sách,… Việc biên soạn không tác động đến nội dung tác phẩm gốc.

Việc biên soạn này có liên quan mật thiết đến lĩnh vực khoa học, lĩnh vực giáo dục trong việc biên soạn giáo trình đối với các tài liệu nghiên cứu.

Tác phẩm biên soạn rất quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, đó chính là những giáo trình, từ điển, bài giảng… Một tác phẩm biên soạn được khá nhiều người biết đến là tác phẩm “Biên niên hoạt động văn học hội nhà văn Việt Nam” của Trần Thiện Khanh. Lại Nguyên Ân và Đoàn Ánh Dương.

  1. Tác phẩm biên soạn có được coi là tác phẩm phái sinh không?

Định nghĩa về tác phẩm phái sinh được nêu tại Khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 như sau: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm cải biên, phóng tác, chuyển thể, chú giải, biên soạn, tuyển chọn.’’

Theo đó, thì tác phẩm biên soạn chính là một hình thức của tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, để một tác phẩm biên soạn được coi là một tác phẩm phái sinh thì tác phẩm biên soạn ấy cần phải thoả mãn một số điều kiện theo luật định, cụ thể đó là phải thoả mãn các vấn đề liên quan đến quyền tác giả.

  1. Điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm biên soạn

Thứ nhất, tác phẩm biên soạn không được gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Điều này được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.Vậy tác phẩm biên soạn nếu như được sáng tạo ra mà gây ảnh hưởng đến quyền tác giả hay quyền nhân thân của chủ sở hữu quyền tác giả, của tác giả thì sẽ không được pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, khi làm tác phẩm biên soạn phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả

Điều kiện này tại khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019. Theo đó, pháp luật sở hữu trí tuệ quy định, khi làm tác phẩm biên soạn mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì đây là hành vi xâm phạm đến quyền tác giả. Trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc các ngôn ngữ khác để dành cho người khiếm thị theo điểm i khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

Thứ ba, tác phẩm biên soạn phải mang dấu ấn riêng của tác giả làm tác phẩm biên soạn

Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc nhưng có sự mới mẻ trong cách truyền đạt, trong lối hành văn,… Điều này tạo nét riêng cho tác phẩm biên soạn và thể hiện sự dấu ấn đặc trưng của tác giả tác phẩm biên soạn với công chúng.

Khi đã đáp ứng các yêu cầu trên, tác phẩm biên soạn được xem là tác phẩm phái sinh và được xác lập quyền tác giả. Quyền tác giả biên soạn được xác lập kể từ khi tác phẩm biên soạn được tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm biên soạn là một quyền tự động và nó phát sinh ngay khi tác giả tạo ra tác phẩm và được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện kể trên mà không cần phải đăng ký. Quyền tác giả đối với tác phẩm biên soạn bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân.

  1. Đăng ký bản quyền tác phẩm biên soạn

Thủ tục đăng ký tác phẩm biên soạn được quy định rõ trong Khoản 1 Điều 34 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2018.

Hồ sơ đăng ký tác phẩm biên soạn bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Tờ khai về quyền đăng ký tác giả theo mẫu
  • Tác phẩm biên soạn cần đăng ký bản quyền được sao thành hai bản.
  • Nếu người nộp đơn là người được tác giả ủy quyền thì phải có giấy ủy quyền.
  • Các tài liệu để chứng minh về việc bản quyền đối với các tác phẩm biên soạn là được chuyển giao từ người khác hay được thừa kế.
  • Đưa ra các tài liệu khẳng định về sự chấp thuận đăng ký của các đồng giả đã cùng tạo ra tác phẩm biên soạn và muốn có quyền sở hữu bản quyền chung đối với các tác phẩm biên soạn đó.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm biên soạn có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm biên soạn của mình tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Hoặc Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh). Hồ sơ này có thể gửi qua đường bưu điện.

Đối với, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là người nước ngoài thì có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ về quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm biên soạn tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Hoặc Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

Bài viết cùng chuyên mục