Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục cần thiết để chủ sở hữu có thể bảo vệ sản phẩm của mình. Tra cứu kiểu dáng công nghiệp, đây là việc làm cần thiết trước khi đăng ký để chủ sở hữu có thể đưa ra phương hướng phát triển cụ thể cho sản phẩm, tránh để bên khác lợi dụng và xâm phạm đến sản phẩm của mình, giúp chủ sở hữu tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
- Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này ( Khoản 13, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009)
Chủ sở hữu sẽ đăng ký quyền sở hữu của mình cho những đặc điểm bên ngoài của sản phẩm như hình vuông, hình tròn, của đồ vật, các hình vẽ, đường nét, màu sắc trên đồ vật đó, trên bao bì sản phẩm… đó để tránh bị nhái hoặc xâm phạm đến sản phẩm của mình.
- Điều kiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
– Tính mới: Tính mới là yêu cầu cơ bản và mang tính tiên quyết đối với việc quyết định một sáng chế có được đăng ký bảo hộ hay không. Một kiểu dáng được cho là mới nếu như nó có khác biệt rõ ràng với kiểu dáng công nghiệp khác mà đã được công bố rộng rãi bằng cách sử dụng họăc bằng các phương tiện mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào dù ở trong hay ngoài nước Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
– Trình độ sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp phải đạt được trình độ sáng tạo khác biệt với các KDCN khác đã có trên thị trường (không trùng hoặc gây nhầm lẫn với các sản phẩm đã có)
– Khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài giống nhau là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
- Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- Có bắt buộc tra cứu kiểu dáng công nghiệp?
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp rất quan trọng và là bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu của Chủ sở hữu sản phẩm
Thủ tục tra cứu kiểu dáng công nghiệp tuy không phải là bắt buộc nhưng có thể coi là điều kiện cần và đủ để đăng ký. Trên thị trường có rất nhiều loại kiểu dáng, bạn không thể chắc chắn kiểu dáng của mình có bị trùng hoặc giống với kiểu dáng đã đăng ký trước đó hay không và có có đáp ứng các yêu cầu bảo hộ hay không.
Thời gian thẩm định của kiểu dáng công nghiệp khá lâu (tầm 12-18 tháng) nên trong suốt thời gian này nếu không đảm bảo về việc kiểu dáng được bảo hộ, ta sẽ rất vất vả trong việc phát triển sản phẩm và giả sử nếu có tranh chấp thì cũng khó tự tin để đảm bảo về kiểu dáng của mình có đẩy đủ quyền lợi khi đưa ra xem xét tranh chấp. Đồng thời, khi không tra cứu mà đã đăng ký, có khả năng kiểu dáng đó đã bị trùng và không được bảo hộ dẫn đến lãng phí tiền bạc và thời gian chờ đợi.
Thủ tục tra cứu kiểu dáng công nghiệp là để biết kiểu dáng của mình có đạt điều kiện bảo hộ hay không, có cần phải sửa đổi những chi tiết nào để trở thành độc quyền trên thị trường, sau đó đưa ra phương hướng phát triển cụ thể cho sản phẩm, tránh để bên khác lợi dụng và xâm phạm đến sản phẩm của mình, giúp chủ sở hữu tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Các bước tra cứu kiểu dáng công nghiệp:
Trên thực tế có khá nhiều cách để tra cứu kiểu dáng công nghiệp, chúng ta có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên để có thể tra cứu chính xác nhất nên tra cứu trên Trang thông tin của hệ thống thông tin Quốc gia để xác định rõ về kiểu dáng: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchIND.php
Khi đó bạn sẽ thấy các trường phân loại khác nhau
Theo đó, chúng ta có thể lựa chọn tra cứu theo tên kiểu dáng, Số đơn, Tên, Chủ đơn… để tìm ra những kiểu dáng đã đăng ký trước đó, đánh giá xem kiểu dáng có tương tự với sản phẩm nào hay không
Lưu ý: Kết quả tra cứu kiểu dáng công nghiệp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo