Việc đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trải qua quá trình thẩm định khắt khe của cơ quan nhà nước để có thể được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bằng bảo hộ chủ sở hữu thường không lưu giữ cẩn thận và không chú ý đến thời hạn của văn bằng dẫn đến văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích hết hiệu lực mà không thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực của văn bằng.
Để có thể duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong kỳ hạn pháp luật quy định. Vậy kỳ hạn này là bao lâu và phải nộp lệ phí bao nhiêu?
- Hiệu lực của văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích
Theo Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2019:
- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Để có thể gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu văn bằng cần thực hiện thủ tục bảo hộ và nộp đầy đủ lệ phí liên quan.
- Trình tự, thủ tục thực hiện
Theo quy định tại khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được thực hiện trong vòng 06 tháng tính đến ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực.
Thủ tục duy trì hiệu lực có thể được thực hiện muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí duy trì hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.
Việc gia hạn hiệu lực thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Cục sở hữu trí tuệ
Dựa theo quy định của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, hồ sơ được chuẩn bị bao gồm:
– Tờ khai yêu cầu duy trì hiệu lực (theo mẫu 02-GH/DTVB tại Phụ lục C của Thông tư 01);
– Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
– Tài liệu khác (nếu cần).
Bước 2: Cục Sở hữu trí tuệ xử lý hồ sơ
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét yêu cầu duy trì hiệu lực trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu và các khoản phí, lệ phí của người yêu cầu.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế, ra thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Trường hợp không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa đổi hoặc có ý kiến phản đối.
Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa đổi hoặc sửa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ.
- Phí, lệ phí duy trì hiệu lực
Điều mà các chủ sở hữu văn bằng quan tâm nhất là phí để có thể duy trì hiệu lực văn bằng. Theo Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, mức phí, lệ phí nộp duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích như sau:
+ Lệ phí duy trì hiệu lực: 100.000 đồng/điểm
+ Lệ phí duy trì hiệu lực muộn: 10% lệ phí duy trì/mỗi tháng nộp muộn
+ Phí thẩm định yêu cầu duy trì: 160.000 đồng/VBBH
+ Phí sử dụng VBBH (theo năm):
Năm 1 -2: 300.000 đồng/năm/điểm
Năm 3-4: 500.000 đồng/năm/điểm
Năm 5-6: 800.000 đồng/năm/điểm
Năm 7-8: 1.200.000 đồng/năm/điểm
Năm 9-10: 1.800.000 đồng/năm/điểm
Năm 11-13: 2.500.000 đồng/năm/điểm
Năm 14-16: 3.300.000 đồng/năm/điểm
Năm 17-20: 4.200.000 đồng/năm/điểm
+ Phí công bố Thông báo ghi nhận duy trì: 120.000 đồng/đơn
+ Phí đăng bạ thông tin duy trì hiệu lực: 120.000 đồng/VBBH.