Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là sản phẩm sự sáng tạo của con người. Những đối tượng này thường xuyên bị xâm phạm khiến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bị ảnh hưởng. Kiểu dáng công nghiệp là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và có thể được bảo hộ. Vậy hành vi nào là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và chủ sở hữu phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
- Thế nào là kiểu dáng công nghiệp?
Khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó.
Một kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng đủ các chí sau:
– Có tính mới;
– Có tính sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
- Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
- Hành vi phạm kiểu dáng công nghiệp
Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
– Trường hợp người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp biết rằng kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
– Trong trường hợp đã được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp thì khi Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu người đã sử dụng kiểu dáng công nghiệp phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
- Xử lý vi phạm kiểu dáng công nghiệp
Các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ giải quyết bao gồm:
– Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp;
– Cơ quan Quản lý thị trường các cấp;
– Cơ quan Hải quan các cấp;
– Cơ quan Công an các cấp;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc huyện.
Tùy theo hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo các hình thức sau:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Các biện pháp khắc phục hậu quả khác như tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mức phạt cụ thể được quy định tại điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.