Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (còn được gọi là thiết kế bố trí) là một cấu trúc không gian của những phần tử mạch và mối liên kết giữa các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí được xác lập dựa trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng với thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Sau đây là những vấn đề liên quan đến bảo hộ thiết kế bố trí mà quý khách cần biết.
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là gì ?
Căn cứ Khoản 15 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009: “Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.”
- Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí được bảo hộ
2.1. Có tính nguyên gốc.
Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả.
– Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
Thiết kế bố trí là sự kết hợp các phần tử, các mối liên kết thông thường chỉ được coi là có tính nguyên gốc nếu toàn bộ sự kết hợp đó có tính nguyên gốc.
2.2. Có tính mới thương mại.
Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn hai năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Khai thác thiết kế bố trí nhằm mục đích thương mại là hành vi phân phối công khai nhằm mục đích thương mại đối với mạch tích hợp bán dẫn được sản xuất theo thiết kế bố trí hoặc hàng hoá chứa mạch tích hợp bán dẫn đó.
2.3. Những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí
Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
- Ai có quyền đăng ký thiết kế bố trí?
- Tác giả – người tạo ra thiết kế bố trí bằng chính công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức và cá nhân đầu tư phương tiện vật chất, kinh phí cho tác giả dưới hình thức thuê việc, giao việc. Trừ các trường hợp hai bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không được trái với quy định: Chính phủ quy định về quyền đăng ký đối với thiết kế bố trí được tạo ra nhờ sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất – kỹ thuật từ ngân sách nhà nước.
- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng nhau tạo ra hoặc cùng đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì các cá nhân, tổ chức, đó đều có quyền được đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ thực hiện nếu được tất cả các tổ chức và cá nhân đó đồng ý cho phép.
- Người có quyền đăng ký thiết kế bố trí nêu trên được quyền chuyển giao quyền đăng ký cho cá nhân và tổ chức khác dưới hình thức là hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc là kế thừa theo đúng quy định của pháp luật. Kể cả các trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Khi tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ là Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn thì tổ chức, cá nhân đó là Chủ sở hữu thiết kế bố trí.
Tác giả thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra thiết kế bố trí đó; trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả.
Quyền nhân thân của tác giả gồm:
– Được ghi tên là tác giả trong Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
– Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về thiết kế bố trí.
Quyền tài sản của tác giả quyền nhận thù lao theo quy định về Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.