Các sản phẩm sáng tạo của con người trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được công nhận là tác phẩm khi thỏa mãn đầy đủ hai điều kiện: mang tính sáng tạo và được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định. Không chỉ tác phẩm gốc, các tác phẩm chuyển thể, cải biên, chuyển thể… cũng là kết quả quá trình sáng tạo, mang lại nhiều giá trị kinh tế và đưa tác phẩm tiếp cận đến quần chúng hơn thông qua cách thức mới, mang hơi thở thời đại. Ngoài việc bảo hộ tác phẩm gốc, pháp luật cũng quy định việc bảo hộ đối với các tác phẩm phái sinh. Vậy điều kiện để tác phẩm phái sinh dược bảo hộ là gì?
- Tác phẩm phái sinh là gì?
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 không quy định thế nào là tác phẩm phái sinh mà chỉ liệt kê các tác phẩm nào được coi là tác phẩm phái sinh. Theo đó, Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Có thể hiểu tác phẩm phái sinh là tác phẩm được tạo ra dựa trên tác phẩm gốc, chứa đựng sự sáng tạo nhất định đủ lớn và đáp ứng các điều kiện về bảo hộ quyền tác giả. Phái sinh sẽ không bị xem là sao chép, đạo nhái bởi vì một tác phẩm phái sinh chỉ được thực hiện sau khi hoàn tất những thỏa thuận, thủ tục pháp lý về quyền tác giả (nếu có) đối với tác phẩm gốc.
Cụ thể:
– Tác phẩm dịch: Là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác dựa trên nội dung của tác phẩm gốc. Bản dịch phải sát nghĩa, không diễn đạt sai ý của tác giả.
– Tác phẩm phóng tác: Là tác phẩm phỏng theo một tác phẩm đã có nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng… làm cho nó mang sắc thái hoàn toàn mới, khác biệt so với tác phẩm gốc.
– Tác phẩm cải biên: Là sửa đổi, biên soạn lại một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi về hình thức diễn đạt so với tác phẩm gốc. Khi cải biên tác phẩm, người cải biên phải được chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.
– Tác phẩm chuyển thể: Là tác phẩm được sáng tạo trên nội dung tác phẩm gốc nhưng có sự thay đổi về loại hình nghệ thuật, dễ thấy nhất là việc chuyển thể truyện thành phim, kịch…
– Tác phẩm biên soạn: Là tác phẩm được tạo ra trên cơ sở tổng hợp thông tin, thu thâp, chọn lọc nhiều tài liệu sau đó tự biên tập, viết lại thành một tác phẩm mới có trích dẫn nguồn thông tin đã tham khảo.
– Tác phẩm chú giải: Là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình, giải thích, làm rõ nghĩa một số nội dung trong tác phẩm gốc.
– Tác phẩm tuyển chọn: Là tác phẩm được tạo ra trên sự tổng hợp, chọn lọc và sắp xếp những tác phẩm gốc (giữ nguyên nội dung) theo một số tiêu chí nhất định, thường là bộ sưu tập thơ, truyện ngắn, bài hát…
- Điều kiện bảo hộ tác phẩm phái sinh
Để được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm phái sinh phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm
Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009 quy định tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Như vậy sự ra đời của tác phẩm phái sinh không được gây tổn hại đến quyền lợi của tác giả tác phẩm gốc, bao gồm cả quyền tài sản và quyền nhân thân.
Thứ hai, phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Tại khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về xâm phạm quyền tác giả : “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này”.
Theo đó, ngoài trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì bất kể hành động làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc.
Thứ ba, tác phẩm phải mang dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Quyền tác giả không bảo hộ nội dung, ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức, cách thức thể hiện nội dung, ý tưởng đó.
Tác phẩm phái sinh là một tác phẩm sáng tạo từ tác phẩm gốc nên để được bảo hộ một cách độc lập, phải thể hiện được sự sáng tạo mới mẻ mang dấu ấn tác giả của nó nhưng đồng thời phải đảm bảo không xâm phạm tới quyền tài sản của tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục.
Do vậy, tác phẩm phái sinh muốn được bảo hộ một cách độc lập thì nó phải thể hiện được sự sáng tạo nhất định về hình thức thể hiện nội dung, ý nghĩa, giai điệu…dựa trên tác phẩm gốc và mang dấu ấn mới mẻ của tác giả tác phẩm phái sinh.
- Khi sử dụng tác phẩm gốc để sáng tạo tác phẩm phái sinh, cần phải xin phép những ai?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009 , hành vi xâm phạm quyền tác giả là hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Và Khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018/ND-CP quy định “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”.
Như vậy, để được làm một tác phẩm phái sinh từ một hay một số tác phẩm gốc, tác giả tác phẩm phái sinh nên xin phép cả tác giả và chủ sở hữu tác phẩm gốc (trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu) và trả nhuận bút/tác quyền cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm theo thỏa thuận giữa các bên. Bởi vì, nếu chỉ xin phép chủ sở hữu, việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm rất khó để đảm bảo vì chỉ có tác giả gốc mới có thể đưa ra nhận định chính xác nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ xin phép tác giả thì chủ sở hữu lại mất đi quyền chính đáng của mình.