Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Việt Nam có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản địa phương, vì vậy việc đăng ký nhãn hiệu tập thể là vô cùng cần thiết để bảo vệ giá trị sản phẩm cũng như giúp cải thiện đời sống cho người dân, phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa. Để tìm hiểu rõ hơn, quý khách hãy tham khảo bài viết sau:
- Điểm đặc biệt của nhãn hiệu tập thể
Có thể hiểu nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu thuộc sở hữu của một tập thể các nhà sản xuất (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân). Tập thể đó thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty,… Chủ tổ chức với tư cách là người sở hữu nhãn hiệu tập thể được hưởng quyền lợi tương tự giống với chủ sở hữu nhãn hiệu thông thường, đều có quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu trên cơ sở tôn trọng hàng hóa và dịch vụ đã đăng ký. Tập thể này sẽ xây dựng quy chế chung về việc sử dụng (như các chỉ tiêu chung về chất lượng, nguồn gốc, phương pháp sản xuất,…) và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
Các nhãn hiệu tập thể nổi tiếng ở Việt Nam như: gốm Bát Tràng, nước mắm Cát Hải, chè Thái Nguyên, xoài cát Hòa Lộc,…
Điều đặc biệt của nhãn hiệu tập thể ở chỗ, dù quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc về tổ chức nhưng chỉ có thành viên tổ chức mới được quyền sử dụng nhãn lên hàng hóa của họ. Cũng vì thế nhãn hiệu loại này chịu sự ràng buộc của các thành viên trong tổ chức, khi muốn thay đổi chủ thể sở hữu phải có sự đồng ý của các thành viên.
- Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể
Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
- Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
- Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Ngoài những nội dung trên, quy chế nhãn hiệu còn phải làm rõ các vấn đề sau:
- Các thông tin vắn tắt về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Các điều kiện để được người đăng ký nhãn hiệu cấp phép sử dụng nhãn hiệu và các điều kiện chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu;
- Nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…);
- Quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu …);
- Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Cơ chế giải quyết tranh chấp.
- Chức năng của nhãn hiệu tập thể
Chức năng chính của nhãn hiệu tập thể, khác với nhãn hiệu thông thường là dùng để phân biệt nguồn gốc sản phẩm, thì ở đây nhãn hiệu này dùng để phân biệt hàng hóa hay dịch vụ của thành viên thuộc một tổ chức. Chức năng này rất dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu chứng nhận, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhãn hiệu này chính là đối tượng sử dụng. Đối với nhãn hiệu tập thể, người được phép sử dụng nhãn hiệu chỉ có thành viên tổ chức. Đối với nhãn hiệu chứng nhận, đối tượng sử dụng phải là người ngoài tổ chức có nhu cầu chứng nhận chất lượng sản phẩm.
- Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể
- Mẫu nhãn hiệu với kích thước lớn hơn 3×3 cm và nhỏ hơn 8 x8 cm;
- Danh mục hàng hóa dịch vụ cần đăng ký nhãn hiệu;
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (trường hợp khách hàng ủy quyền cho Công ty Luật Việt An thì tờ khai sẽ do người đại diện sở hữu công nghiêp của Luật Việt An ký);
- Ủy quyền cho đại diện Công ty Luật Việt An nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
- Chứng từ nộp lệ phí đăng ký nhãn hiệu.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể với các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
- Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
- Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
- Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
- Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
- Bản thuyết minh về tính chất,chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
- Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).
Hy vọng qua bài viết này, quý khách sẽ hiểu hơn về chức năng của nhãn hiệu tập thể để có thể chọn được loại nhãn hiệu phù hợp.