T6, 09 / 2021 4:51 chiều | minhanhqn

Việc chuyển thể những tác phẩm văn học, nghệ thuật thành tác phẩm điện ảnh, sân khấu đang ngày càng phổ biển trên thế giới và cả Việt Nam. Từ những câu chuyện cổ tích, tiểu thuyết kinh điển hay những truyện ngắn đầy tính nhân văn đang được các nhà nghệ thuật chuyển thể thành những bộ phim, sân khấu giúp cho tác phẩm đến gần hơn với công chúng và được nhiều người đón nhận. Vậy chuyển thể là gì, tác phẩm chuyển thể khác gì so với cải biên? Chúng tôi sẽ làm rõ những vấn đề này qua bài viết sau đây:

Chuyển thể và quy định pháp luật về chuyển thể
  1. Chuyển thể là gì?

Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm (thường là tác phẩm văn học, nghệ thuật) sang loại hình nghệ thuật khác trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc, ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch… hoặc cũng có thể là tác phẩm kịch (sân khấu) được chuyển thành kịch bản điện ảnh, nhạc kịch…

Tác phẩm chuyển thể được hiểu là tác phẩm mới được sáng tạo ra dựa trên nội dung của tác phẩm gốc nhưng phải không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Khác với tác phẩm chuyển thể, tác phẩm cải biên là tác phẩm dựa trên nội dung của tác phẩm gốc để thành một tác phẩm mới và người sáng tạo ra tác phẩm cải biên có thể tạo ra một tác phẩm  khác với nội dung của tác phẩm gốc. Tác phẩm chuyển thể là một trong các đối tượng được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Ví dụ: Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Kính vạn hoa”… được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tuy nhiên, việc chuyển thể tác phẩm phải được tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đồng ý và khi thực hiện chuyển thể phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Đồng thời, ở tác phẩm chuyển thể phải ghi tên tác phẩm và tác giả của tác phẩm gốc đó. Nếu việc chuyển thể mà có sự thay đổi về nội dung của tác phẩm gốc thì phải được tác giả của tác phẩm gốc cho phép.

  1. Đặc điểm của chuyển thể

– Tác phẩm chuyển thể được hình thành dựa trên một hoặc nhiều tác phẩm gốc đã tồn tại và trong tác phẩm chuyển thể phải còn dấu ấn của tác phẩm gốc. Khi tiếp xúc với tác phẩm chuyển thể, công chúng phải vẫn có thể liên tưởng được đến tác phẩm gốc. Sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc. Đồng thời, người sáng tạo tác phẩm chuyển thể phải tôn trọng quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả tác phẩm gốc.

– Tác phẩm chuyển thể phải mang dấu ấn cá nhân của người sáng tạo ra tác phẩm chuyển thể. Dấu ấn cá nhân có thể hiểu là sáng tạo về nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm

– Quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng, nội dung mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng, nội dung đó. Vì vậy tác phẩm chuyển thể không phải là bản sao của tác phẩm gốc. Hình thức thể hiện của tác phẩm chuyển thể phải khác biệt từng phần hoặc khác biệt hoàn toàn với hình thức đã được thể hiện ở tác phẩm gốc.

  1. Phân biệt cải biên và chuyển thể

Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm sang loại hình nghệ thuật khác dựa trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc. Ví dụ: bộ phim “Đồi gió hú” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Anh Emily Bronte; Series phim Harry Potter chuyển thể từ bộ tiểu thuyết của nhà văn J.K.Rowling; Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Tường được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng Đất và người;…

Cải biên là việc sửa đổi hoặc biên soạn lại nội dung, thay đổi hình thức thể hiện, chuyển thể loại dựa trên một phần hoặc toàn bộ của tác phẩm gốc để sáng tạo ra tác phẩm mới.

Ví dụ: Vở chèo “Súy Vân” của tác giả Trần Bảng được cải biên lại từ vở chèo “Kim Nham”, mà ở đó Súy Vân từ một “nghịch nữ” trong vở chèo cổ trở thành người phụ nữ tiến bộ và nạn nhân của chế độ phong kiến trong vở chèo cải biên.

Từ đó có thể thấy, tuy cùng làm thay đổi hình thức diễn đạt của tác phẩm gốc nhưng chuyển thể và cải biên có sự tác động đến nội dung tác phẩm gốc khác nhau. Trong khi chuyển thể chỉ dựa trên tác phẩm gốc mà không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc thì cải biên dựa trên nội dung tác phẩm gốc và có thể sáng tạo để thành một tác phẩm mới, hoàn toàn khác với nội dung của tác phẩm gốc.trên cơ sở tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt và có thể không giống nội dung của tác phẩm gốc.

  1. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm phái sinh được tạo ra. Giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là quyền tự động, phát sinh ngay khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký.

Tác phẩm chuyển thể là hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh và vẫn được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019). Lưu ý:

Tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo nên mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác, kể cả tác phẩm của chính tác giả đó. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả và đồng thời không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng.

Bài viết cùng chuyên mục