Hộ kinh doanh cá thể là mô hình hoạt động kinh doanh phù hợp với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, thường tồn tại dưới các dạng là các cửa hàng, cửa hiệu, shop bán hàng, quán cà phê, nhà xưởng, quán ăn… Khi hoạt động kinh doanh không hiệu quả, chủ hộ kinh doanh muốn chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh hoặc khi hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả phát triển hơn với quy mô lớn hơn so với trước, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên thì chủ hộ có thể có nhu cầu giải thể hộ kinh doanh và có hướng đi mới phù hợp. Vậy thủ tục giải thể hộ kinh doanh như thế nào?
- Thế nào là giải thể hộ kinh doanh (Chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh)?
Hiện nay pháp luật không đưa ra khái niệm về giải thể hộ kinh doanh mà chỉ có khái niệm chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh.
Chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh là một trong nhiều hình thức nhằm kết thúc một quá trình kinh doanh không đạt hiệu quả, hoặc việc kinh doanh đạt hiệu quả cao hoặc cũng có thể mô hình hộ kinh doanh lúc này không còn phù hợp với quá trình phát triển. Chủ hộ kinh doanh cần phải có biện pháp chấm dứt hoạt động (giải thể) của hộ kinh doanh để phù hợp với điều kiện thực tế.
- Căn cứ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Theo quy định tại Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hộ kinh doanh phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây:
- Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.
Như vậy, về cơ bản thủ tục giải thể hộ kinh doanh có phần tương tự như giải thể doanh nghiệp nhưng hồ sơ đơn giản hơn. Trịnh tự giải thể hộ kinh doanh cũng phải nộp hồ sơ khóa mã số thuế ở cơ quan thuế quản lý trước, sau khi có xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế bên cơ quan thuế mới được thực hiện trả giấy phép hộ kinh doanh ở Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Những hồ sơ cần chuẩn bị:
- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh (phụ lục III-5 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp);
- Văn bản đề nghị về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của cơ quan thuế (mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC về hướng dẫn đăng ký thuế);
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh đối với trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Trường hợp ủy quyền, phải có thêm: Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật; Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền.
- Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Bước 1: Hộ kinh doanh cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật (như tại mục bên trên).
Bước 2: Hộ kinh doanh nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký.
Trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp quận/huyện phải xem xét hồ sơ và ra trả kết quả cho hộ kinh doanh
Bước 3: Nhận kết quả về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ nhận kết quả tại bộ phận trả kết quả của Phòng Tài Chính – Kế Hoạch thuộc Uỷ ban nhân dân quận/huyện;
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì quý khách cần thực hiện thay đổi bổ sung theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh.