T5, 08 / 2021 4:57 chiều | minhanhqn

Việc thành lập công ty để hoạt động kinh doanh diễn ra rất phổ biến hiện nay nhưng không phải chủ sở hữu nào cũng có đủ kiến thức chuyên ngành để điều hành, quản lý công ty. Khi đó, họ cần có một người giúp đỡ điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Việc thuê người có đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để hỗ trợ lãnh đạo công ty, tham gia điều hành, quản lý, kinh doanh và báo cáo tình hình kinh doanh là sự lựa chọn đúng đắn cho các chủ doanh nghiệp. Giám đốc công ty thường là người đại diện theo pháp luật của công ty, đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Vậy pháp luật có cho phép doanh nghiệp thuê giám đốc/người đại diện theo pháp luật không và nếu thuê thì làm sao để chủ sở hữu có thể kiểm soát hoạt động của công ty?

Doanh nghiệp có thể thuê giám đốc không?
  1. Công ty có được phép thuê giám đốc không?

Luật doanh nghiệp mới nhất không cấm doanh nghiệp thuê Giám đốc/Tổng Giám đốc. Do vậy, doanh nghiệp được quyền thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước HĐTV hoặc HĐQT  về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Công ty khi có nhu cầu có thể thuê người khác làm Giám đốc và có thể để người này đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Doanh nghiệp sẽ ký kết hợp đồng lao động với người được thuê, đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng là Chủ tịch Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên), Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), Chủ tịch sở hữu công ty (công ty TNHH một thành viên), chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân). Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa giám đốc và công ty là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, mối quan hệ này sẽ không chỉ được điều chỉnh bởi quy định của Luật Doanh nghiệp mà còn chịu sự điều chỉnh bởi Luật Lao động.

Người đại diện theo pháp luật được thuê sẽ thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp theo các quy định tại hợp đồng lao động, đồng thời phải tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật được thuê có thể giữ chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc các chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty như Phó Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành.

  1. Những điều cần lưu ý khi thuê giám đốc

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật cực kỳ quan trọng. Nếu chủ sở hữu không nắm được những quy định về người đại diện theo pháp luật của các loại hình doanh nghiệp hiện hành thì sẽ gặp phải rủi ro rất lớn. Vì vậy chủ doanh nghiệp cần chú ý:

– Trong trường hợp điều lệ công ty không quy định chủ tịch hội đồng thành viên(HĐTV) đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) là người đại diện theo pháp luật thì giám đốc/tổng giám đốc đương nhiên sẽ là người đại diện pháp luật cho công ty.

– Trong trường hợp Giám đốc/ tổng giám đốc là người đại diện pháp luật của công ty thì ngay sau khi có quyết định bổ nhiệm chức vụ, công ty phải có trách tiến hành thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật.

– Trong trường Giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi nội bộ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc công ty mà không phải thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh.

  1. Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty

– Trường hợp thay đổi Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

+ Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật

+ Quyết định và bản sao biên bản họp của ĐHĐCĐ hoặc của HĐQT

+ Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo pháp luật mới

+ Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có).

+ Giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ như trên đến Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính. Thời hạn xử lý hồ sơ là 3-5 ngày làm việc.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho công ty. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ sẽ ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bài viết cùng chuyên mục