Đặt tên công ty sao cho phù hợp, tránh nhầm lẫn và thể hiện được đặc trưng và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp cũng là điều mà các doanh nghiệp quan tâm.Tên doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được những yêu cầu cần thiết nhất để tránh trùng lặp với các doanh nghiệp khác.
Hiện nay, trong quá trình hoạt động nhiều doanh nghiệp vì những lý do khác nhau mà thay đổi tên công ty dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề mà một trong số đó là các giao dịch. Vậy khi thay đổi tên công ty có cần ký lại hợp đồng không? Phần tiếp theo, Luật Hoàng Phi sẽ giải đáp câu hỏi này.
- Thay đổi tên doanh nghiệp
Theo quy định pháp luật, mỗi doanh nghiệp gồm ba tên giao dịch được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể:
- Tên tiếng việt
- Tên bằng tiếng nước ngoài
- Tên viết tắt
Sau khi thành lập, doanh nghiệp có quyền thay đổi một trong ba tên trên. Pháp luật không giới hạn số lần đổi tên của doanh nghiệp, một doanh nghiệp có thể đổi tên nhiều lần.
Việc đổi tên phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể: doanh phải thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định.”
Thông báo phải đáp ứng đủ các nội dung sau:
- Tên cũ của doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp
- Tên mới dự kiến sẽ thay đổi
- Chữ ký, họ tên đầy đủ của người đại diện doanh nghiệp.
Lưu ý về tên mới của doanh nghiệp như sau:
– Tên công ty phải được viết bằng tiếng Việt, gồm hai thành tố cấu tạo: loại hình doanh nghiệp + tên riêng.
– Tên doanh nghiệp mới không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký.
– Không được sử dụng tên của các cơ quan nhà nước, tổ chức khác để làm tên riêng của doanh nghiệp nếu chưa có sự cho phép của cơ quan, tổ chức đó.
– Tên doanh nghiệp không vi phạm văn hóa, truyền thống nước ta.
- Thay đổi tên công ty có cần ký lại hợp đồng?
Khi doanh nghiệp đổi tên, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đó không bị thay đổi hay chấm dứt. Vì vậy, các hợp đồng, giao dịch đã ký trước đó vẫn có hiệu lực, doanh nghiệp vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với các hợp đồng có tên cũ trước đó.
Như vậy công ty vẫn có trách nhiệm với hợp đồng mang tên công ty cũ, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn theo tên công ty mới nhưng hợp đồng có thể giữ nguyên như tên công ty cũ.
Việc lập phụ lục hợp đồng là việc doanh nghiệp cập nhật những thông tin cần thiết liên quan tới những nội dung thay đổi. Vì vậy, khi thay đổi tên công ty, doanh nghiệp có thể lập phụ lục hợp đồng thay đổi tên công ty. Lưu ý khi lập phụ lục hợp đồng thay đổi tên công ty cần kèm theo bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới được Sở kế hoạch và đầu tư cấp.
Các thông tin khác của doanh nghiệp như về mã số thuế, địa chỉ giữ nguyên thì không cần phải có xác nhận. Trường hợp thay đổi trụ sở, doanh nghiệp cần cung cấp thêm xác nhận của Chi cục thuế quản lý để đảm bảo hoạt động ký kết hợp đồng giữa các bên được diễn ra một cách hợp pháp.
- Những điều cần lưu ý sau khi thay đổi tên công ty
– Sau khi thay đổi tên công ty, doanh nghiệp phải thay đổi con dấu pháp nhân của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể liên hệ đơn vị khắc dấu để làm con dấu mới mà không cần thông báo việc thay đổi dấu lên Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư.
– In lại hóa đơn VAT: Đối với các doanh nghiệp phải có hóa đơn VAT thì sau khi thay đổi tên doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi hóa đơn VAT vì trong hóa đơn bắt buộc phải có tên của doanh nghiệp.
– Sau khi thay đổi tên công ty, các tài sản đăng ký sở hữu công ty cũng phải thay đổi theo tên mới.
–Thay đổi thông tin tên công ty trên thiết bị chữ ký số, biển hiệu công ty…