Hiện nay, do tình hình dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để duy trì hoạt động nên đã lựa chọn tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, dù đã tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ khác, đặc biệt là nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp. Trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện đúng các nghĩa vụ thuế của mình, tránh bị xử phạt do không nắm được các quy định của pháp luật.
- Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
- Các trường hợp được tạm ngừng kinh doanh
– Theo quyết định của doanh nghiệp;
– Theo yêu cầu của Cơ quan Đăng kí kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành nghê có điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Thủ tục tạm ngừng kinh doanh
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm có:
– Thông báo tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp
+ Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá 1 (một) năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 2 (hai) năm.
+ Lý do tạm ngừng kinh doanh.
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Quyết đinh của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, hội đồng quản trị về việc tạm ngừng hoạt động.
– Biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Thông báo tạm ngừng kinh doanh phải được nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế ít nhất 03 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh
Lưu ý: Khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng thời gửi Thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký.
- Nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngưng hoạt động kinh doanh.
Theo điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, “Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm”.
Như vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm. Nếu có một ngày không ngưng trong kỳ báo cáo thì doanh nghiệp phải nộp báo cáo thuế cho kỳ đó.
VD: Doanh nghiệp tạm ngưng từ ngày 3/7/2021 đến 2/7/2022 thì phải nộp báo cáo thuế cho tháng 7/2021 hay quý 3/2021 dù chỉ hoạt động có 2 ngày trong kỳ.
Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh thì được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán.
Đồng thời, trong thời gian này, người nộp thuế cũng không được sử dụng hóa đơn, không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Nếu được chấp thuận sử dụng hóa đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định.
Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định. Trường hợp hết thời hạn tạm ngừng không gia hạn thì doanh nghiệp được coi là mặc nhiên hoạt động trở lại, nếu doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế và các nghĩa vụ liên quan sẽ rơi vào tình trạng đóng cửa mã số doanh nghiệp.
- Nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải thanh toán các khoản nợ, hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp cùng chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
- Đóng lệ phí môn bài
Trước đây, doanh nghiệp tạm ngưng nguyên năm (từ 1/1 đến 31/12) thì mới được miễn môn bài của năm đó.
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 5, Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị đinh 22/2020/NĐ-CP: “Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điêu kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Như vậy, hiện nay chỉ cần thông báo tạm ngừng kinh doanh trước ngày 30/1 thì doanh nghiệp không phải nộp lệ phí môn bài cho năm tạm ngưng nếu chưa nộp lệ phí. Nếu doanh nghiệp đã nộp lệ phí rồi thì không được hoàn lại.
Ví dụ: Ngày 24/12/2021 doanh nghiệp làm thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 và được chấp thuận thì:
- Không phải nộp lệ phí môn bài năm 2022
- Không phải nộp tờ khai thuế GTGT, TNCN, quyết toán thuế TNDN, TNCN.
- Không phải nộp báo cáo tài chính năm 2022.
Ngày 24/12/2021 công ty thông báo tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/07/2022 thì công ty công ty phải:
– Nộp thuế môn bài cho nửa năm 2022 (Do thuộc 06 tháng cuối năm)
– Nộp các tờ khai từ tháng 8/2022 – 12/2022, báo cáo tài chính và quyết toán thuế cuối năm bình thường.