T6, 09 / 2021 4:52 chiều | minhanhqn

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sẽ mang lại giá trị thương mại cao cho sản phẩm, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh của địa phương đến các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau:

Đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
  1. Chỉ dẫn địa lý là gì?

Theo khoản 22 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Như vậy, chỉ dẫn địa lý bao gồm tên địa lý, dấu hiệu, ký hiệu và hình ảnh biểu tượng phải được nhận biết bằng thị giác.

Ví dụ về chỉ dẫn địa lý: Gốm sứ Bát Tràng, Nước mắm Phan Thiết, Chè Tân Cương,…

  1. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

– Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý

+ Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

+ Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.

+ Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

  1. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam: Sở dĩ chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hóa thì sẽ được bảo hộ theo quy định của pháp luật hiện hành, còn trong trường hợp khi các thông tin địa lý đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, và mất đi khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thì sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa là chỉ dẫn địa lý.

– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng: Đối với các trường hợp mà chỉ dẫn địa lý của nước ngoài thì sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam khi chỉ dẫn địa lý tại nước đó không được bảo hộ, bị chấm dứt và không được sử dụng nữa.

– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm: Khi một nhãn hiệu đã được bảo hộ mà sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đó thì phát luật sở hữu trí tuệ quy định sản phẩm đó sẽ không thuộc đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý.

– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó: Khi người tiêu dùng hiểu sai về nguồn gốc địa lý trên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó thì trường hợp này pháp luật quy định sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý.

Nếu một địa danh đăng ký cho sản phẩm được sản xuất tại đó mà thuộc một hoặc nhiều hơn trong bốn trường hợp nêu trên sẽ không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

  1. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng

Khác với các loại tài sản trí tuệ khác, tại khoản 2 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 về Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp quy định rõ “Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng”. Theo đó, quyền đối với chỉ dẫn địa lý là một quyền sở hữu công nghiệp đặc biệt và vì thế chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó, bởi chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước Việt Nam. Nhà nước chỉ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đây chính là lý do vì sao chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao.

Mặt khác, chỉ dẫn địa lý chỉ đích danh một vùng miền với những đặc trưng riêng biệt, dễ nhận biết, có lợi ích đối với địa danh đó. Như vậy, chỉ dẫn địa lý đối với một địa danh là cố định, không thể chuyển nhượng từ địa phương này sang địa phương khác.

Bài viết cùng chuyên mục